Lý thuyết về trật tự xã hội Trật_tự_xã_hội

Các nhà nghiên cứu về lý thuyết xung đột cho rằng, trật tự xã hội được thiết lập khi nhóm xã hội có quyền lực, sức mạnh phù hợp để duy trì vị trí thống trị của mình và nhóm thống trị phải chấp nhận địa vị phụ thuộc. Tuy nhiên, trật tự này chỉ mang tính chất tạm thời, vì trong nó ngầm chứa đựng một mâu thuẫn cơ bản - Mâu thuẫn của các nhóm xã hội có lợi ích đối lập nhau. Trật tự này sẽ bị phá vỡ khi nhóm bị trị không còn hài lòng hoặc chấp nhận cách tổ chức, quản lý và điều hành của nhóm thống trị. Giai cấp thống trị luôn tìm mọi cách củng cố trật tự xã hội hiện có.

Các nhà chức năng luận cho rằng, trật tự xã hội là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Khi tất cả các thành phần trong xã hội thực hiện tốt chức năng của mình, thì sẽ có trật tự xã hội. Bởi vì mỗi thành phần sẽ có những chức năng đặc thù và chúng phù hợp với nhau, nên có thể phối hợp với nhau một cách hài hòa để phục vụ cho việc ổn định của toàn xã hội. Ở cấp độ cá nhân, nếu chúng ta thực hiện tốt các vai trò của mình trong một nhóm - làm đúng theo mong đợi của những người xung quanh, thì cũng có trật tự xã hội. Tuy nhiên khi ra khỏi phạm vi một nhóm, thì điểm không định đó không hoàn toàn chính xác; bởi vì, nhiều khi nguyên nhân của sự xung đột rối loạn trong một gia đình nào đó lại chính là việc một thành viên trong gia đình đó (vợ hoặc chồng) làm quá tốt, hay quá nhiệt tình công việc của cơ quan, dẫn đến sự sao nhãng công việc gia đình.

Các nhà xã hội học khác nhau thừa nhận rằng, xung đột là hiện tượng phổ biến trong xã hội. Cần phân biệt xung đột xã hội với rối loạn xã hội. Không phải loại xung đột xã hội nào cũng dẫn đến sự rối loạn xã hội. Thường người ta chia xung đột xã hội thành hai loại:

  1. Loại thứ nhất là những xung đột làm nguy hại cho sự tồn tại của nhóm - tức là nguy hại đến trật tự xã hội;
  2. Loại thứ hai là biểu trưng cho sức sống cá nhân - đó là xung đột không phá hoại trật tự xã hội, mà thậm chí còn duy trì, củng cố và phát triển nó.